Chiều cao của bé là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá bé có phát triển bình thường hay không. Vì vậy, chiều cao của con luôn là mối quan tâm hàng đầu của ba mẹ hiện nay. Vậy, Bé 3 tuổi cao bao nhiêu là chuẩn? và làm sao để cải thiện được chiều cao cho bé? Hãy cùng National eHealth tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Nội dung bài viết
Vì sao ba mẹ cần theo dõi chiều cao của bé?
Theo Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, 1000 ngày đầu đời từ khi trẻ còn là thai nhi đến lúc trẻ 24 tháng tuổi là khoảng thời gian quan trọng cho sự phát triển thể chất và chiều cao của trẻ. Giai đoạn này chiều cao của trẻ tăng vọt, năm đầu tiên có thể tăng tới 25cm và 10cm là chiều cao tăng thêm mỗi năm của trẻ trong 2 năm tiếp theo[1] Tham khảo tại Vinmec, “Bảng chiều cao cân nặng chuẩn của bé”, tra cứu tại: … Continue reading.
Tuy nhiên, trong những năm tiếp trẻ chỉ có thể tăng 5 – 7,5cm/năm và mật độ xương tăng 1%/năm khi trẻ ngoài 2 tuổi. Tức là vào lúc bé 3 tuổi sự tăng trưởng chiều cao bắt đầu chậm dần. Nếu ba mẹ không theo dõi sát sao thì khó có thể nhìn thấy sự thay đổi trên cơ thể của bé, đặc biệt là chiều cao. Lúc này, ba mẹ cần đo chiều cao thường xuyên cho trẻ, so sánh với bảng chiều cao chuẩn để có những thay đổi trong chế độ ăn, chế độ nghỉ ngơi, vui chơi giúp bé có chiều cao phù hợp lứa tuổi.
Khi bé lên 3 tuổi, bé bắt đầu có những sự phát triển về nhận thức, vận động, chiều cao và cân nặng. Theo dõi chiều cao của bé giúp ba mẹ biết được bé có đang phát triển có đúng độ tuổi không, có khoẻ mạnh không, có đang thiếu chất dinh dưỡng hay không? Để có thể bổ sung kịp thời, cũng như phát hiện những dấu hiệu bất thường liên quan sức khoẻ của bé. Vì lứa tuổi này chính là tiền đề quan trọng cho sự phát triển chiều cao sau này của trẻ. Nếu kịp thời bổ sung dưỡng chất, kèm theo chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp thì sau giai đoạn dậy thì bé có thể đạt được chiều cao theo kỳ vọng.
Bé 3 tuổi cao bao nhiêu là chuẩn theo WHO?
Con mình 3 tuổi, chiều cao như thế này đã đúng tiêu chuẩn hay chưa? Đây chắc hẳn là câu hỏi được rất nhiều bậc phụ huynh đưa ra khi có con đang trong tuổi phát triển. Vậy chúng ta cùng các bậc phụ huynh giải đáp thắc mắc ngay sau đây.
Ở mỗi lứa tuổi, môi trường sống khác nhau các bé sẽ có những mức độ phát triển chiều cao khác nhau. Hằng năm, WHO sẽ dựa theo những công bố, nghiên cứu về chiều cao mới nhất, đáng tin cậy trên toàn thế giới từ đó đưa ra bảng chiều cao chuẩn theo tuổi để làm tiêu chuẩn đánh giá mức độ phát triển của trẻ.
Từ bảng chiều cao – cân nặng chuẩn của WHO, ba mẹ có thể so sánh với chiều cao, cân nặng hiện tại của con để đánh giá mức độ phát triển của trẻ đã đạt chuẩn chưa, cần cải thiện yếu tố gì? Còn chần chờ gì nữa, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chiều cao của bé 3 tuổi theo chuẩn WHO sau đây.
Bé trai 3 tuổi cao bao nhiêu cm?
Theo bảng chiều cao chuẩn của WHO, chiều cao trung bình của bé trai 3 tuổi là 96,1cm. Chiều cao tối thiểu đạt chuẩn của bé trai 3 tuổi là 88,7cm và 103,5cm là mức chiều cao vượt chuẩn. Theo đó, cân nặng chuẩn của bé trai 3 tuổi nằm trong khoảng 14 – 14,5kg. Chiều cao, cân nặng của các bé trai ở lứa tuổi này khác nhau do nhiều nguyên nhân như chế độ dinh dưỡng, tần suất vận động cũng như nghỉ ngơi mỗi ngày.
Bé gái 3 tuổi cao bao nhiêu là chuẩn?
Tuy chỉ mới 3 tuổi nhưng sự khác biệt giới tính đã thể hiện rõ rệt khi chiều cao chuẩn theo WHO của bé trai 3 tuổi và bé gái 3 tuổi là khác nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt này không quá lớn khi chiều cao trung bình của bé gái 3 tuổi là 95,1cm – thấp hơn của bé trai là 1cm. Chiều cao tối thiểu đạt chuẩn của bé gái 3 tuổi là 87,4cm. Mức chiều cao vượt chuẩn của bé gái ở lứa tuổi này là 102,7cm – thấp hơn của bé trai cùng tuổi chỉ 0,8cm. Cùng với chiều cao, cân nặng chuẩn của bé gái 3 tuổi dao động trong khoảng 13-15kg.
Những yếu tố nào ảnh hưởng đến chiều cao của bé 3 tuổi?
Tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố tác động mà mỗi bé có một tốc độ tăng trưởng chiều cao khác nhau. Vậy, các bậc phụ huynh hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những yếu tố tác động lên chiều cao của bé 3 tuổi sau đây.
Yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền là 1 trong những yếu tố tác động đến chiều cao ở trẻ. Nếu trong gia đình, bố mẹ, ông bà có chiều cao lý tưởng thì trẻ có khả năng có chiều cao đạt chuẩn hoặc vượt chuẩn. Yếu tố di truyền tác động lên chiều cao của trẻ là yếu tố không thể thay đổi được. Tuy nhiên, yếu tố này chỉ chiếm 23% ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ còn 77% là các yếu tố hoàn toàn có thể thay đổi được.
Yếu tố dinh dưỡng
Trong số những yếu tố có thể thay đổi, chế độ dinh dưỡng của trẻ là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình phát triển chiều cao. Ăn uống hợp lý, khoa học chính là điều kiện cần để bổ sung đủ chất dinh dưỡng giúp trẻ phát triển không chỉ về chiều cao mà còn cả cân nặng và trí tuệ.
Vận động
Rèn luyện thể thao cũng là yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ vì khi vận động kích thích cơ thể sản xuất hormone GH – hormone tăng trưởng của cơ thể giúp xương phát triển.
Yếu tố giấc ngủ
Yếu tố quan trọng tác động chiều cao của bé tiếp theo chính là giấc ngủ. Vì phần lớn Hormone GH được giải phóng theo từng đợt trong lúc ngủ. Các chuyên gia đã cho thấy, ngủ không đủ giấc có thể làm giảm lượng hormone Gh mà cơ thể tiết ra.
Yếu tố bệnh lý
Yếu tố bệnh lý tác động nhiều đến chiều cao của trẻ. Bệnh lý như thiếu hụt hormone tăng trưởng GH khiến bé thấp còi, nhẹ cân, kém phát triển về cả chiều cao lẫn cân nặng. Chiều cao của bé 3 tuổi thiếu hormone tăng trưởng GH thường thấp hơn nhiều so với chuẩn WHO.
Ngoài ra trong môi trường sống công nghiệp hoá, môi trường đầy khói bụi, tiếng ồn, trẻ hút thuốc thụ động,… trẻ dễ mắc các bệnh hô hấp, sử dụng nhiều thuốc, kháng sinh trong thời gian dài – thiếu sự tư vấn của bác sĩ cũng gây ảnh hưởng xấu đến chiều cao của trẻ.
Để bé có chiều cao đạt chuẩn, ba mẹ cần làm những gì?
Dựa trên những yếu tố tác động đến chiều cao của trẻ, chúng ta biết được có thể thay đổi 77% yếu tố ảnh hưởng để có thể giúp trẻ có chiều cao đạt kỳ vọng. Đầu tiên là thay đổi về yếu tố dinh dưỡng.
Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu cho quá trình phát triển của bé
Các bậc phụ huynh hiện nay mắc nhiều sai lầm trong việc chuẩn bị bữa ăn cho con. Tâm lý của ba mẹ bây giờ là mong muốn con ăn càng nhiều càng tốt sao cho con bụ bẫm, nhìn thích mắt. Vì vậy, bữa ăn của các bé thường nhiều đạm, giàu tinh bột, chất béo và đường mà lại ít đi các chất khoáng cũng như vitamin.
Cho nên việc đầu tiên để cải thiện chiều cao cho trẻ chính là thay đổi chế độ ăn phù hợp. Ba mẹ có thể tham khảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ lên 3 để lên kế hoạch những bữa ăn trong tuần cho trẻ thay vì ngày mai con ăn gì hôm nay mẹ mới nghĩ hay là nhiều ngày lặp đi lặp lại 1 món ăn khiến trẻ bị thừa chất này mà thiếu chất kia. Sử dụng sữa đều đặn hàng ngày cũng giúp bổ sung dưỡng chất, hỗ trợ tăng chiều cao cho trẻ.
Hơn nữa, nếu có điều kiện các bậc phụ huynh cũng có thể tìm hiểu để mua thêm những thực phẩm bổ sung Calci, các loại vitamin đặc biệt là vitamin D cho trẻ 3 tuổi để hỗ trợ phát triển chiều cao. Các loại thực phẩm bổ sung trên thị trường khá đa dạng, có nhiều dạng bào chế thích hợp với trẻ em như dạng kẹo nhai có vị trái cây dễ sử dụng mà ba mẹ có thể tham khảo. Tuy nhiên, ba mẹ nên bổ sung Calci cho trẻ vừa đủ, không quá nhiều và nên lựa chọn những loại Calci dễ hấp thu tránh gây dư thừa Calci trong thời gian dài, gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của trẻ.
Thường xuyên vận động, luyện tập thể thao
Yếu tố tiếp theo ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ là vận động. Vậy chúng ta cần tác động lên yếu tố này như thế nào? Các bậc phụ huynh hiện nay chăm sóc con rất cẩn thận, có thể nói là quá kỹ. Các bé được ba mẹ bảo bọc, không tự vận động, đi đâu cũng được đưa đón. Không những thế công nghệ thông tin ngày càng phát triển, ba mẹ càng bận rộn các bé làm bạn với tivi, điện thoại, ipad nhiều hơn là tiếp xúc với thế giới bên ngoài, ngồi xem hoạt hình nhiều hơn là vận động.
Bé lên 3 tuổi – là độ tuổi tò mò với thế giới xung quanh, bé đã có thể tự vui chơi và đi lại, ba mẹ nên để bé được vận động thường xuyên ngoài trời, chơi các trò chơi: đá bóng, tập đạp xe hay đơn giản là đi bộ cùng ba mẹ,…Vì vận động giúp tăng sản sinh GH – hormone tăng trưởng giúp phát triển xương trong cơ thể, hỗ trợ tăng chiều cao của bé. Hơn nữa, vận động ngoài trời vào buổi sáng giúp bé hấp thu được nhiều Vitamin D từ ánh nắng mặt trời, có lợi cho sự phát triển chiều cao.
Trong thời kỳ dịch bệnh như hiện nay các bé cũng chỉ có thể ở nhà để đảm bảo an toàn sức khỏe, hạn chế tham gia hoạt động ngoài trời, vì vậy ba mẹ có thể cùng con tập những bài thể dục nhẹ nhàng cho bé 3 tuổi, nếu diện tích nhà đủ lớn có thể tập đá bóng cùng bé trai, cho bé gái tập múa, tập nhảy. Ba mẹ cũng đừng quên vào buổi sáng cho bé ra ban công phơi nắng để tăng hấp thu Vitamin D cho cơ thể.
Cho bé ngủ đủ giấc
Giấc ngủ cũng là yếu tố góp phần ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Hiện nay, các gia đình thường có xu hướng đi ngủ muộn – thường là sau 22 giờ. Do đó, giấc ngủ của các bé cũng bắt đầu sau 22 giờ. Trong khi đó các chuyên gia khuyến cáo rằng bé 3 tuổi cần ngủ đủ 12 – 14 tiếng/ngày vì vậy giấc ngủ của trẻ nên bắt đầu trước 21 giờ tối.
Việc ngủ đủ giấc cũng góp phần giúp hormone tăng trưởng GH tiết ra đều đặn hàng ngày giúp phát triển xương của trẻ. Để đảm bảo bé phát triển chiều cao theo kỳ vọng, ba mẹ nên sắp xếp thời gian đi ngủ sớm cùng con, trước khi ngủ có thể kể chuyện cho con nghe, trò chuyện cùng con. Khi lên giường không mang theo thiết bị điện tử, tránh tiếng ồn, tránh ánh sáng trực tiếp để bé nhanh chóng đi vào giấc ngủ. Thời gian ngủ lý tưởng của trẻ nên là 30 phút – 1 tiếng vào buổi trưa và bắt đầu đi ngủ từ 8 – 9 giờ tối, thức dậy vào 7 – 8 giờ sáng hôm sau.
Chiều cao chuẩn của bé 3 tuổi theo WHO được nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu bé chưa đạt được chiều cao mong muốn thì ba mẹ cũng đừng quá lo lắng mà hãy cải thiện dần chiều cao của con theo những cách trên và tiếp tục theo dõi từng bước trưởng thành của con ba mẹ nhé! Việc nuôi con và chăm sóc con rất vất vả, nhưng có cố gắng sẽ có thành quả xứng đáng.
Tài liệu tham khảo
↑1 | Tham khảo tại Vinmec, “Bảng chiều cao cân nặng chuẩn của bé”, tra cứu tại: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/bang-chieu-cao-can-nang-chuan-cua-be/, Truy cập ngày 25/03/2022 |
---|